xây dựng nông thôn mới gắn bảo vệ môi trường

Đăng lúc: 15:33:14 14/09/2021 (GMT+7)

 BÀI VIẾT: Xây dựng Nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường

 

Xây dựng nông thôn thân thiện với môi trường là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người nông dân. Trong 19 tiêu chí qui định theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, vấn đề môi trường thuộc tiêu chí 17; trong đó, có nói đến 5 nội dung, đó là: Tỷ lệ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; Các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; Không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; Nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, với thực trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn như hiện nay, đây là tiêu chí khó thực hiện trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bởi lẽ, đây là vấn đề lớn của cả nước nhất là đối với một nước nông nghiệp, đòi hỏi ý thức cao của người dân, sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của chính quyền, kinh phí đầu tư lớn, chế tài xử lý đủ sức răn đe...

Nhiều hộ gia đình vẫn không có thói quen gom rác lại để xử lý. Chất thải chăn nuôi bị đẩy ra cống rãnh. Cùng với hệ thống nhà vệ sinh tự hoại, nước thải sinh hoạt cũng chảy theo ra cống rãnh gây ô nhiễm nguồn nước ao hồ, lâu dần ngấm xuống làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Rác thải sau khi thu gom chưa được xử lý đúng cách, mới chỉ dừng lại ở việc đốt rác, gây ô nhiễm không khí. Vẫn còn một lượng không nhỏ các loại vỏ lọ hóa chất thuốc bảo vệ thực vật bị vứt ngoài bãi rác, mà chưa có cách gì để xử lý triệt để.

ở một số cơ sở sản xuất và chăn nuôi thì nguồn nước thải chưa được xử lý vẫn xả ra môi trường, gây ô nhiễm xung quanh. Rồi theo dòng chảy tự nhiên đem ô nhiễm đi rất xa, ảnh hưởng cả một vùng. Đó là chưa kể đến thói quen thả rông trâu bò, chó… và chất thải của các động vật này vẫn còn nhiều ở ngoài đường, trong các khu vực công cộng…
 Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia trên địa bàn xã đang được nâng lên. Tuy nhiên Ranh giới giữa nước sạch và nước hợp vệ sinh còn chưa rõ ràng, nhiều nơi mới chỉ đạt tiêu chuẩn nước hợp vệ sinh chứ chưa đạt tiêu chuẩn nước sạch.

Các hộ chăn nuôi gia đình dù đã xử lý môi trường nhưng vẫn không triệt để nên vẫn gây ô nhiễm môi trường;

 Mặt trái và hệ lụy của quá trình đô thị hoá tăng nhanh đã tác động rất lớn đến môi trường và biến đổi khí hậu, trong đó không thể tránh khỏi việc môi trường sống của con người đang bị đe dọa, suy thoái nghiêm trọng bởi ô nhiễm từ các chất thải, nước thải của các khu công nghiệp, khu dân cư... Vì vậy, việc xây dựng nông thôn mới đặt ra mục tiêu, tiêu chí cho các vùng nông thôn cũng vừa là thách thức vừa là động lực, là cơ hội để bộ mặt nông thôn khởi sắc trên đà phát triển. Song, vấn đề cốt lõi là suy nghĩ và hành xử đúng mực của con người đối với thiên nhiên, môi trường.

 Để cải thiện tiến tới đạt được tiêu chí về môi trường nông thôn, trước hết cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Chính quyền và các đoàn thể cần tăng cường vận động nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường khu dân cư, khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại, đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, thu gom, xử lý rác thải và xây dựng các công trình nước sạch, công trình vệ sinh đúng tiêu chuẩn. Việc tổ chức các đội tự quản vệ sinh môi trường tại các thôn là hoàn toàn có thể thực hiện được.

 Lồng ghép các nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", thực hiện hương ước - quy ước trong giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn. Vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa; khuyến khích phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường (tiêu biểu như làm bể biogas để xử lý chất thải chăn nuôi); phát động các phong trào chỉnh trang đường làng ngõ xóm, khuôn viên gia đình và xây dựng các công trình vệ sinh kiên cố, đạt chuẩn.
          Vì môi trường, bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền địa phương, rất cần ý thức tự giác của chính bà con nông dân trong việc thu gom rác thải; tránh để rác bừa bãi hoặc ô nhiễm quanh khu vực gia đình cư trú; dùng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, ngưng trước khi thu hái theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, vỏ lọ, bao gói thuốc cần được thu gom tập kết vào một nơi quy định…

 Môi trường là yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân và bộ mặt nông thôn. Do vậy cấp uỷ , chính quyền và các Đoàn thể  cần vào cuộc, chỉ đạo sát sao để các tầng lớp nhân dân thấy rõ được trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường nói riêng và công cuộc xây dựng nông thôn mới nói chung. Đồng thời mỗi người dân xã Hoằng Phong phải có ý thức tự giác để bảo vệ môi trường chung, xây dựng xã Hoằng Phong ngày càng xanh, sạch đẹp.