LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Đăng lúc: 16:40:25 29/09/2023 (GMT+7)

BÀI TUYÊN TRUYỀN

VỀ LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật số 67/2020/QH14) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13/11/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022.

Theo đó, nhiều nội dung cơ bản, quan trọng của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật XLVPHC) như: Mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực; thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính; thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; đối tượng và điều kiện, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm thể chế kịp thời, đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính cơ bản khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Những điểm mới cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC gồm 03 điều, bao gồm:

–Điều 1:  Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC (có 75 khoản);

–Điều 2” “Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 163 của Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2014/QH13 và Luật số 23/2018/QH14).

– Điều 3: Hiệu lực thi hành.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều (trong đó 16 điều sửa đổi, bổ sung toàn diện), sửa kỹ thuật 11/142 điều, bổ sung mới 04 điều, bãi bỏ 03 điều của Luật XLVPHC hiện hành, với những điểm mới cơ bản sau đây:

1. Về những quy định chung

Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định chung tại Phần thứ nhất của Luật Xử lý VPHC bao gồm:

Thứ nhất: Khoản 1 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung khái niệm tái phạm quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật XLVPHC để bảo đảm thống nhất với quy định của BLHS, bảo đảm tính công bằng, khách quan trong áp dụng pháp luật. Theo đó, tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt; cá nhân đã bị ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà lại thực hiện hành vi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đó.

Thứ hai: Sửa đổi, bổ sung nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đối với vi phạm hành chính nhiều lần tại điểm d khoản 1 Điều 3 của Luật XLVPHC [1] theo hướng: Một người thực hiện vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng. Quy định này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành thời gian qua liên quan đến quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 3 và điểm b khoản 1 Điều 10 Luật XLVPHC hiện hành [2], bảo đảm thống nhất trong áp dụng pháp luật trên thực tiễn

Thứ ba: Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Điều 4 Luật XLVPHC.

So với Luật XLVPHC hiện hành, ngoài việc được giao quy định hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước; Chính phủ còn được giao quy định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; đối tượng bị xử phạt; việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Quy định này sẽ góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật (nghị định) xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Biểu mẫu sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Giao UBTV Quốc hội, căn cứ quy định của Luật này quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Thứ tư: Sửa đổi, bổ sung một số điểm của khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Luật XLVPHC về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo đó:

Tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa đơn lên 02 năm, sửa đổi tên gọi của một số lĩnh vực tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật XLVPHC để bảo đảm thống nhất với Điều 24 Luật XLVPHC, đồng thời, quy định rõ vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Sửa đổi quy định về thời hiệu áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 6 Luật XLVPHC;

Bổ sung quy định về việc tính thời hiệu trong trường hợp cá nhân cố tình trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo hướng thời hiệu được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Thứ năm: Bổ sung một số hành vi vi phạm thường xảy ra trong quá trình áp dụng pháp luật nhưng chưa được Luật XLVPHC quy định là hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 12 Luật XLVPHC như: Xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng mức xử phạt không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính; không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả. Việc bổ sung quy định này căn cứ vào thực tiễn kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thời gian qua, nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm của người có thẩm quyền, góp phần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ và thực hiện đúng phương châm “Chính phủ kiến tạo”.

2. Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực QLNN. So với Luật xử lý VPHC hiện hành, mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC được sửa đổi, bổ sung theo hướng:

Tăng mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực như: Giao thông đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội; cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục; điện lực; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thủy lợi; báo chí; kinh doanh bất động sản.

Mức phạt tiền tối đa trong Luật sửa đổi, bổ sung lần này được cân nhắc điều chỉnh nâng lên phù hợp với tính chất xâm hại đến trật tự quản lý hành chính nhà nước của một số lĩnh vực, bảo đảm ý nghĩa răn đe và phòng ngừa của chế tài xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời để bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay ở nước ta.

Bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực như: Tín ngưỡng, đối ngoại; cứu nạn, cứu hộ; in; an toàn thông tin mạng; kiểm toán nhà nước, cản trở hoạt động tố tụng.

Sửa đổi tên của một số lĩnh vực như: Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, cây trồng thành trồng trọt; sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi thành chăn nuôi; dạy nghề thành giáo dục nghề nghiệp; quản lý rừng, lâm sản thành lâm nghiệp; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác thành hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; hạn chế cạnh tranh thành cạnh tranh…

3. Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Thứ nhất: Luật sửa đổi, bổ sung tên gọi/bãi bỏ một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành xuất phát từ việc một số cơ quan, đơn vị được sắp xếp lại tổ chức bộ máy trong thời qua. Ví dụ: một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường, Hải quan…

Thứ hai: Luật bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc các lực lượng, cơ quan như: Kiểm ngư (Điều 43a); Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Điều 45a); Kiểm toán nhà nước (Điều 48a)…

Thứ ba: Luật đã chỉnh lý quy định về thẩm quyền áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo hướng:

Bên cạnh thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh là cấp cuối cùng của mỗi lực lượng đã được Luật XLVPHC hiện hành quy định, dự thảo Luật bổ sung thêm 08 nhóm chức danh (chủ yếu thuộc các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc ở cấp tỉnh hoặc liên tỉnh) có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện [6].

Các chức danh khác ở cấp cơ sở có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền để vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành (phát sinh quá nhiều vụ việc vi phạm do trị giá tang vật phương tiện vi phạm vượt quá thẩm quyền phạt tiền nên cơ quan cấp dưới phải chuyển lên cấp trên, dẫn đến tình trạng ùn tắc, quá tải, không thể kịp thời xử lý các hành vi vi phạm bảo đảm đúng về thời hạn và trình tự theo quy định của Luật), vừa bảo đảm quyền lực được kiểm soát và giới hạn, tương xứng với nhiệm vụ được giao.

Thứ tư: Sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về trường hợp chức danh có sự thay đổi về tên gọi nhưng không có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì thẩm quyền xử phạt của chức danh đó được giữ nguyên và trường hợp có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn (tên gọi được giữ nguyên hoặc có sự thay đổi) thì thẩm quyền xử phạt của chức danh đó do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ năm: Sửa đổi, bổ sung quy định về giao quyền xử phạt theo hướng cấp trưởng có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Trong thời gian được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính, cấp phó có quyền hạn như cấp trưởng đối với phạm vi được giao, trừ quyền áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính (cấp trưởng chỉ được thực hiện việc giao quyền áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính cho cấp phó trong trường hợp cấp trưởng vắng mặt theo quy định tại Điều 123 của Luật XLVPHC).

4. Về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính

So với Luật XLVPHC hiện hành, Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thủ tục xử phạt theo hướng tăng thời gian tiến hành một số công việc, sửa đổi thủ tục thực hiện một số công việc bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng, phù hợp với thực tế, bảo đảm tính khả thi nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật thời gian qua, cụ thể:

Một là: Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định về lập biên bản vi phạm hành chính (Điều 58 Luật XLVPHC) [7]theo hướng quy định nguyên tắc “phải kịp thời lập biên bản” và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Trên cơ sở đó, Chính phủ quy định cụ thể về thời hạn lập biên bản để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, bảo đảm phù hợp với từng lĩnh vực quản lý nhà nước; đồng thời, quy định cụ thể về địa điểm lập biên bản, nội dung biên bản và bổ sung quy định về việc lập biên bản vi phạm hành chính qua phương thức điện tử và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này…

Hai là: Tăng thời hạn định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại khoản 3 Điều 60 Luật XLVPHC từ 24 giờ lên 48 giờ để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng thời, bảo đảm việc định giá cũng như xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính chính xác.

Ba là: Sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp và thủ tục giải trình tại Điều 61 Luật XLVPHC nhằm bảo đảm tính khả thi trên thực tế. Theo đó, đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc quy định mức tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Về thời hạn giải trình, Luật chỉ sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn đối với trường hợp giải trình bằng văn bản, theo đó, cá nhân, tổ chức VPHC phải gửi văn bản giải trình cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ trong thời hạn không quá 05 ngày thành trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì người có thẩm quyền xử phạt có thể gia hạn nhưng không quá 05 ngày làm việc theo đề nghị của cá nhân, tổ chức vi phạm. Đồng thời, Luật quy định rõ việc gia hạn của người có thẩm quyền xử phạt phải bằng văn bản. Đối với trường hợp giải trình trực tiếp, Luật sửa quy định về việc người có thẩm quyền xử phạt phải thông báo bằng văn bản cho người vi phạm về thời gian và địa điểm tổ chức phiên giải trình trực tiếp từ trong thời hạn 05 ngày thành trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của người vi phạm.

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Luật đã bổ sung 01 khoản quy định về trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không yêu cầu giải trình nhưng trước khi hết thời hạn lại có yêu cầu giải trình thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm.

Bốn là: Sửa đổi, bổ sung Điều 64 Luật XLVPHC [10] theo hướng mở rộng lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính, bao gồm trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trườngphòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia và lĩnh vực khác do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Năm là: Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung quy định về tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, hết thời hiệu thi hành, thời hiệu cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo hướng:

Người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 Luật XLVPHC, nhưng vẫn phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc tang vật, phương tiện mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó.

Đối với trường hợp hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật XLVPHC) thì không thi hành quyết định đó nữa, nhưng vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nếu quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả.

Đối với trường hợp hết thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế (quy định tại khoản 2a Điều 88 Luật XLVPHC) thì không thi hành quyết định cưỡng chế đó, nhưng vẫn phải cưỡng chế tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Sáu là: Luật sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 66 Luật XLVPHC [11] để khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh thời gian qua như: Hầu hết các bộ, ngành địa phương đều cho rằng, thời hạn ra quyết định xử phạt theo quy định của Luật XLVPHC hiện hành (07 ngày) là quá ngắn, không bảo đảm tính khả thi, không phù hợp với thực tiễn, gây nhiều khó khăn cho người có thẩm quyền xử phạt. Quy định về việc gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính gặp rất nhiều vướng mắc (đặc biệt là tiêu chí xác định thế nào là thủ trưởng cấp trên trực tiếp thực hiện việc gia hạn), gây khó khăn cho người có thẩm quyền xử phạt, dẫn đến tình trạng có rất nhiều trường hợp bị quá thời hạn ra quyết định xử phạt, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của công tác xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 66 Luật XLVPHC theo hướng:

Đối với vụ việc vi phạm hành chính thông thường thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

Riêng đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan quy định tại Điều 59 của Luật XLVPHC thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc thuộc trường hợp cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
Việc bỏ quy định về thủ tục gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính, bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính được nhanh chóng, thuận lợi, kịp thời hơn, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác xử phạt vi phạm hành chính nói riêng và quản lý nhà nước nói chung.

5. Về thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

So với Luật XLVPHC hiện hành, Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung quy định về hoãn, miễn, giảm tiền phạt tại Điều 76 và Điều 77 Luật XLVPHC theo hướng bổ sung quy định tổ chức cũng được hoãn, giảm, miễn tiền phạt để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho tổ chức/doanh nghiệp khi gặp khó khăn  đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, cụ thể như sau:

Thứ nhất, việc hoãn thi hành quyết định phạt tiền được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:

Cá nhân bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng trở lên, tổ chức bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng trở lên.

Cá nhân đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn; tổ chức đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh. Tùy từng trường hợp cụ thể, cá nhân, tổ chức phải có xác nhận của các cơ quan, tổ chức sau: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện trở lên; Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.

Thứ hai: Việc giảm một phần tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền được áp dụng khi:

Cá nhân tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc.

Tổ chức tiếp tục gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.

Thứ ba: Luật bổ sung quy định tổ chức cũng được miễn phần tiền phạt còn lại và miễn toàn bộ tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt bên cạnh quy định miễn tiền phạt cho cá nhân như Luật XLVPHC hiện hành. Tuy nhiên, để được miễn phần tiền phạt còn lại ghi trong quyết định xử phạt, tổ chức phải đáp ứng đủ các điều kiện, bao gồm:

Đã được giảm một phần tiền phạt theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc đã nộp tiền phạt lần thứ nhất hoặc lần thứ hai trong trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại Điều 79 của Luật này.

Đã thi hành xong hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định xử phạt. Tiếp tục gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.

Tổ chức được miễn toàn bộ tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt khi đáp ứng đủ các điều kiện:

Đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 76 của Luật này.

Đã thi hành xong hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định xử phạt.

Tiếp tục gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, BQL khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.

6. Về đối tượng, điều kiện, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng và điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính:

Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đối tượng và điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với BLHS; quy định về độ tuổi, số lần vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính… bảo đảm phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, cụ thể:

Quy định cụ thể các hành vi vi phạm là điều kiện để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

Làm rõ hơn quy định “02 lần trở lên trong 06 tháng”, thống nhất trong cách áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

          Bỏ quy định về việc đối tượng phải vi phạm “02 lần trong 06 tháng” là điều kiện áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc để bảo đảm tính khả thi;

Bổ sung quy định về việc áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người sử dụng trái phép chất ma túy (người từ đủ 14 tuổi trở lên đã hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy);

Bỏ quy định áp dụng biện pháp “tiền đề” giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định; đồng thời, sửa đổi quy định về đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo hướng viện dẫn đến quy định của Luật Phòng, chống ma túy nhằm tránh phát sinh xung đột giữa hai Luật.

Thứ hai, Luật số 67/2020/QH14 cũng đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện các công việc. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc sửa đổi các quy định tại khoản 1 Điều 98, khoản 3 Điều 99, khoản 3 Điều 101 và khoản 3 Điều 103 Luật XLVPHC liên quan đến thủ tục kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo hướng:

Không quy định việc kiểm tra tính pháp lý thành một thủ tục riêng biệt, độc lập;

Không quy định thẩm quyền kiểm tra tính pháp lý của công chức tư pháp hộ tịch cấp xã đối với hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp XLHC giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện đối với hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thay vào đó, dự thảo Luật quy định rõ, cơ quan nào lập hồ sơ đề nghị thì phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ.

Thứ ba, Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Điều 131 Luật XLVPHC theo hướng:

Đối với người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có nơi cư trú ổn định, cơ quan, người có thẩm quyền lập hồ sơ quyết định giao cho gia đình quản lý đối tượng trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Đối với người không có nơi cư trú ổn định hoặc có nơi cư trú ổn định nhưng gia đình không đồng ý quản lý thì cơ quan, người có thẩm quyền lập hồ sơ quyết định: Giao cho trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội hoặc cơ sở cai nghiện bắt buộc của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý đối với người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người vi phạm cư trú hoặc có hành vi vi phạm tổ chức quản lý trong trường hợp bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

7.  Bên cạnh những vấn đề nêu trên, Luật số 67/2020/QH14 cũng sửa đổi, bổ sung quy định về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như: Bổ sung trường hợp áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính tại Điều 122 Luật XLVPHC; sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính tại Điều 123 Luật XLVPHC; sửa đổi quy định về biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề tại Điều 125 Luật XLVPHC; sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu tại Điều 126 Luật XLVPHC; bãi bỏ quy định về việc báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính định kỳ 06 tháng tại Điều 17 Luật XLVPHC nhằm giảm bớt thủ tục và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện việc thống kê, tổng hợp báo cáo; bổ sung biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính giáo dục dựa vào cộng đồng (Điều 140a) áp dụng đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính…

Lời kết

Xử lý vi phạm hành chính là công cụ quan trọng của quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đây cũng là một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, liên quan đời sống hàng ngày của nhân dân được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội hết sức quan tâm. Do đó, cần phải được tổ chức phổ biến, quán triệt và thực hiện một cách hiệu quả Luật, đặc biệt là những điểm mới, những thay đổi của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC so với Luật hiện hành, góp phần đảm bảo trật tự, kỷ cương hành chính; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; đáp ứng yêu cầu cải cách bộ máy nhà nước; đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính trong giai đoạn hiện nay.