NGƯỜI DÂN HÃY CẢNH GIÁC VỚI PHÁP LUÂN CÔNG

Đăng lúc: 17:51:14 04/10/2023 (GMT+7)

 NGƯỜI DÂN HÃY CẢNH GIÁC VỚI PHÁP LUÂN CÔNG

 

          Pháp luân công hay Pháp luân đại pháp là môn tập luyện sử dụng thiền, các bài tập sinh lực và các bài giảng đạo đức làm phương tiện để tu thân do Lý Hồng Chí (sinh năm 1952) sáng lập năm 1992 tại thành phố Trường Xuân, Trung Quốc. Sau khi bị chính phủ Trung Quốc đã tiến hành nhiều biện pháp ngăn chặn, giải tán Pháp luân công, Lý Hồng Chí đã cùng thành viên cốt cán chạy trốn sang Mỹ. Tại Mỹ, do được hậu thuẫn, Lý Hồng Chí và các cộng sự đã thành lập Tổng hội Pháp luân công tiến hành tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, kênh truyền hình và một số trang thông tin điện tử. Năm 2000, Pháp luân công du nhập vào Việt Nam hoạt động với hình thức rèn luyện sức khỏe và tinh thần, là sự kết hợp giữa luyện khí công với các bài giảng của Lý Hồng Chí. Tuy nhiên, các đối tượng tăng cường hoạt động tuyên truyền, lôi kéo, tụ tập người khác tham gia hoạt động Pháp luân công và đã lôi kéo được nhiều người tham gia. Ngoài ra, các đối tượng còn tán phát băng đĩa, tài liệu tuyên truyền về Pháp luân công trái pháp luật.

          Quá trình tập hợp, lôi kéo người tham gia Pháp luân công, các đối tượng lợi dụng để tiến hành hoạt động chống phá chính trị, gây mất an ninh trật trự, điển hình như:  Năm 2014, một nhóm đối tượng Pháp luân công đã âm mưu đập phá lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và kéo đổ tượng đài Lê-nin ở Hà Nội. Khi các đối tượng này bị xử lý theo quy định pháp luật Việt Nam, Pháp luân công đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình phản đối trước các cơ quan Đại sứ quán và trụ sở Việt Nam ở nước ngoài. Vụ án Phạm Thị Thiên Hà cầm đầu một nhóm tập Pháp luân công bị ảo giác, hoang tưởng đã thực hiện hành vi man rợ, giết hai người rồi cho vào bồn nhựa đổ bê tông để phi tang tại Bình Dương tháng 05-2019.

Thời gian gần đây trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đã xuất hiện các nhóm người tập luyện Pháp luân công và đang có chiều hướng gia tăng chủ yếu tập trung các xã Hoằng Trung, Hoằng Đức, Hoằng Cát, Hoằng Hợp, Thị trấn Bút Sơn... Do có sự tương đồng nên nhiều người lầm tưởng đây là môn tập dưỡng sinh, tuy nhiên không phải vậy. Một số dấu hiệu đặc trưng về Pháp luân công như sau:

          1. Thời gian xuất hiện: Pháp luân công xuất hiện trên địa bàn huyện từ năm 2014.

          2. Đối tượng thờ: Những người tin theo Pháp luân công không có đối tượng thờ cúng, tuy nhiên họ luôn tin và nghe theo Lý Hồng Chí (người sáng lập ra Pháp Luân công), hiện đang sinh sống tại Mỹ coi ông ta như một vị phật sống đến để cứu giúp mọi người.

          3. Giáo lý, giáo luật: Pháp luân công không phải là một loại hình tín ngưỡng, tôn giáo nên không có hệ thống kinh sách hay giáo luật riêng. Một số cuốn sách được coi là kinh văn của Pháp luân công do Lý Hồng Chí sáng tạo ra như: “Chuyển Pháp luân”, “Pháp luân đại pháp”, “Sức khỏe là vàng”. Nội dung chủ yếu của các cuốn sách này là nói về con đường tập luyện và lợi ích của Pháp luân công cũng như ca ngợi Lý Hồng Chí.

          4. Số người tin theo Pháp luân công  phần lớn là những người cao tuổi, bị bệnh đã đi chữa trị ở nhiều nơi mà chưa khỏi, cán bộ hưu trí. Đặc biệt một số người là Đảng viên hoặc người thân của cán bộ đảng viên.

          5. Cơ cấu tổ chức của Pháp luân công: Tại địa bàn huyện Hoằng Hóa chưa có tổ chức của pháp luân công, chỉ là một nhóm người cùng tập luyện, không có nhóm trưởng. Thông thường những người tập Pháp luân công sẽ tập trung tập luyện tại  một gia đình và sẽ có người ở nơi khác đến hướng dẫn tập luyện.

          6. Phương thức tuyên truyền: Thần thánh hóa hình tượng Lý Hồng Chí, coi ông ta như một vị thánh có khả năng truyền khí công đến mỗi người tập luyện để chữa bệnh; đối tượng theo Pháp luân công đến tận nhà của người dân trực tiếp tuyên truyền về lợi ích chữa bệnh không cần uống thuốc của việc tập luyện Pháp luân công, đồng thời tán phát các tài liệu có liên quan đến việc chữa bệnh của Pháp luân công như: “thư ngỏ của những người khỏi bệnh khi tập Pháp luân công”, “Những chuyên gia y học nói gì về Pháp luân công?” và “Người tập Pháp luân công tại Việt Nam không vi phạm bất cứ quy định pháp luật nào”. Sau đó các đối tượng còn tán phát tài liệu về Pháp luân công như: đĩa CD hướng dẫn các bài tập của Lý Hồng Chí, các cuốn sách “Chuyển pháp luân”, “ Pháp luân đại pháp”, “Sức khỏe là vàng” để phục vụ cho việc tập luyện.

          7. Hình thức tập luyện: Những người tin theo Pháp luân công có thể tự tập luyện tại nhà hoặc tập trung tại một gia đình khác để tập luyện. Hình thức tập luyện là ngồi theo tư thế thiền hoặc đứng và tập theo các động tác trên đĩa CD hoặc tập theo người hướng dẫn. Những người tin theo Pháp luân công đều phải phát chính niệm (niệm chú) mỗi ngày để tiêu diệt tà ác xung quanh đang bức hại, làm hại họ, ngăn cản quá trình tu luyện của họ.

Nội dung tuyên truyền của Pháp luân công có những điểm phản khoa học, mê tín như: “Người tập Pháp luân công làm cho con người đạt đến khai công, khai ngộ, công thành viên mãn, linh hồn bất diệt; ai ngăn cản là ma quỷ; hoặc nguyên nhân của bệnh tật là do những nghiệp xấu của kiếp trước, nếu tin tưởng vào việc luyện công, dừng ngay việc uống thuốc không cần khám, chữa trị, tự nhiên có người chữa trị cho khỏi bệnh kể cả bệnh ung thư. Tuy nhiên, chưa có công trình nghiên cứu nào cho thấy việc tập luyện Pháp luân công có thể chữa trị được mọi loại bênh tật, do vậy khẳng định trên là không có căn cứ.

Do vậy, quần chúng nhân dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tránh bị lợi dụng, lôi kéo vào các hoạt động của Pháp luân công.

Khi phát hiện hoạt động tuyên truyền, phát tán tài liệu, tụ tập luyện tập Pháp luân công, cần báo ngay cho chính quyền, cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Pháp luân công là một hiện tượng mới du nhập vào Việt Nam và chưa được nhà nước ta công nhận và cấp phép hoạt động. Việc hoạt động tuyên truyền Pháp luân công và việc sử dụng tà liệu không rõ nguồn gốc để tuyên truyền Pháp luân công trên địa bàn là vi phạm và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.